Các nội dung xấu, độc tràn ngập trên YouTube khiến những người làm nội dung chân chính và có ích bị lép vế, thiệt hại về doanh thu. Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà những nội dung xấu, gây tranh cãi được nhiều người tập trung khai thác trên YouTube.
Người làm nội dung chân chính và nội dung “bẩn” đều có chung mục đích là kiếm được lượt xem, từ đó có thể kiếm tiền từ quảng cáo đặt trên video. Một trong những cách thu hút người xem hiệu quả nhất là tự hệ thống gợi ý của YouTube.
Tuy nhiên, tiêu chí để YouTube để gợi ý các video lại không nằm ở chất lượng nội dung. Guillaume Chaslot - cựu nhân viên của Google từng làm việc với thuật toán đề xuất - chỉ rõ vấn đề của thuật toán này.
“Thật tệ là YouTube lại sử dụng AI để đề xuất video cho bạn. Nếu nó hoạt động đúng, nó sẽ giúp bạn tìm được chính xác thứ mình muốn, điều đó thực sự rất tuyệt", Chaslot nói với TNW.
"Tuy nhiên, vấn đề là trí tuệ nhân tạo không được tạo nên để cho bạn thấy thứ mình muốn, mà để bạn nghiện YouTube. Hệ thống đề xuất được thiết kế để tiêu tốn thời gian của người dùng”, Chaslot nhấn mạnh.
Theo Chaslot, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một đề xuất ”thành công” là thời gian xem. Thời gian xem càng dài, YouTube càng hiển thị được nhiều quảng cáo hơn tới người dùng, nhưng đó không hẳn là những gì người dùng muốn.
Chính vì YouTube nhấn mạnh vào thời gian xem, những nội dung như thuyết âm mưu, tin giả sẽ được đề xuất thường xuyên hơn. Càng có nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi, video càng dễ khiến người xem bấm vào và xem lâu hơn, và lại càng được hệ thống đề xuất nhiều hơn.
Những nội dung như thế này được xếp vào dạng “nhạy cảm”, tức là không vi phạm chính sách của YouTube nhưng vẫn chứa những chủ đề gây khó chịu hoặc xúc phạm đối tượng cụ thể.
“Chúng ta phải nhận ra rằng hệ thống đề xuất của YouTube độc hại và làm sai lệch mọi sự tranh luận. Hiện tại, hệ thống này thúc đẩy các nội dung nhạy cảm, không bị cấm nhưng thu hút sự quan tâm”, Chaslot khẳng định.
Tất nhiên, nếu một người dùng thích xem các chủ đề đặc thù như âm nhạc hoặc game, hệ thống đề xuất vẫn có thể đem lại những video đúng gu họ thích.
Vấn đề là nhiều người coi YouTube như một kênh thông tin và giải trí nói chung, và họ có thể dễ dàng chìm vào ma trận thông tin sai lệch, tin giả hay những chủ đề nhạy cảm trên YouTube.
Khi YouTube công bố đổi thuật toán để ưu tiên thời gian xem hơn là số lượt xem vào năm 2012, họ cho biết thay đổi này sẽ giúp các nhà sáng tạo nội dung có thời gian xem lâu hơn. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc kiểm soát nội dung theo hướng tích cực.
“Trên YouTube, những câu chuyện tưởng tượng còn được yêu thích hơn những gì có thật”, Chaslot nói.
YouTube phải khắc phục những sai lầm của mình
Sử dụng thuật toán khuyến khích nội dung xấu, sau đó lại ưu ái, o bế những nhà sáng tạo gây tranh cãi, YouTube đã tự “đầu độc” nền tảng của chính mình. Từ năm 2017 đến nay, hãng liên tiếp vướng vào những scandal về nội dung xấu.
Năm 2017, loạt clip phản cảm sử dụng các nhân vật hoạt hình hoặc siêu anh hùng hướng tới trẻ em bị phát hiện. Các nhãn hàng nhanh chóng lên tiếng cảnh báo hay thậm chí cắt quảng cáo với YouTube vì để hình ảnh thương hiệu họ xuất hiện trong các video không phù hợp.
Những sự việc như vậy rõ ràng ảnh hưởng trực tiếp tới “nồi cơm” của YouTube, khi họ mất doanh thu quảng cáo.
“Khi rót tiền vào cho một kênh quảng bá thảm họa, các doanh nghiệp chưa lường trước những khủng hoảng sẽ xảy ra sau đó. Một số trường hợp các mẫu quảng cáo hiển thị ngẫu nhiên trên những nội dung xúc phạm chính quyền, nếu bị người dùng chụp lại, rủi ro khủng hoảng khó lường trước được. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là bên bị cơ quan chức năng xử lý đầu tiên”, thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi, giảng viên ngành quan hệ công chúng Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết.
Tại nhiều nước, mô hình quản lý theo mạng lưới (network) cũng bị lợi dụng để kiếm tiền, trong khi YouTube phó thác kiểm duyệt cho mạng lưới. Nhiều kênh trả tiền để được tham gia mạng lưới, bật kiếm tiền, sau đó sử dụng nội dung xấu để có doanh thu từ YouTube.
CEO Susan Wojcicki, người đứng đầu YouTube, từng thừa nhận các rắc rối của nền tảng trong vài năm qua "là vấn đề của tôi, và tôi sẽ giải quyết nó" trong một bài phỏng vấn với New York Times đầu năm 2019. Quả thật họ đã đưa ra nhiều thay đổi trong năm nay.
Đầu năm, YouTube tuyên bố đang thay đổi thuật toán để trang web ngừng gợi ý các video kiểu như “thuyết âm mưu”.
Bên cạnh đó, YouTube cho biết họ tìm cách khắc phục bằng việc tăng thêm nhân sự để quản lý những nội dung gây tranh cãi. Tuy nhiên với khối lượng video đồ sộ được tải lên (400 giờ mỗi phút), việc sử dụng sức người để giải quyết vấn được cho là không khả quan.
Đống lộn xộn hiện tại chính là hậu quả từ chính sách thả cửa của YouTube một thời. Giống như những loại đồ ăn nhanh, rất hấp dẫn nhưng hại sức khỏe, YouTube giờ đây cần phải “ăn kiêng”, tự nghiêm khắc với chính mình nếu muốn lấy lại uy tín một thời. Việc đó chắc chắn không hề dễ dàng.
"Ở đây không có một cái công tắc nào mà chúng tôi cứ thế tắt đi, rồi coi như mọi thứ đã được giải quyết. Chuyện phức tạp hơn thế nhiều", bà Wojcicki thừa nhận.
Không có nhận xét nào